Chăn nuôi lợn, kết hợp bảo vệ môi trường cho hiệu quả cao

Đó là mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Trịnh Xuân Toản, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế. Mỗi lứa xuất ra thị trường vài tấn lợn hơi, thu về hàng trăm triệu đồng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Trịnh Xuân Toản cho biết, những năm trước gia đình anh luôn duy trì khoảng 400 đầu lợn mỗi lứa. Nhưng qua đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, gia đình anh cũng bị tiêu hủy gần như hết, may mắn hơn các gia đình khác nhà anh còn được 30 con nái và duy trì đến nay. Lợn nái sinh sản ra anh nuôi thành lợn thịt nên không phải mua giống đắt. Hiện tại trong chuồng đang có 100 con lợn thịt được khoảng 50-60kg, sinh trưởng phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay đã xuất bán được 100 con thịt, trừ mọi chi phí mỗi con cho lãi từ 5-6 triệu đồng. Hiện tại, giá lợn hơi đang ở mức rất cao khoảng 92.000 đồng/kg nên người chăn nuôi lãi lớn.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn anh Toản chia sẻ, để chăn nuôi thành công, cho hiệu quả kinh tế cao, trước hết phải duy trì được đầu lợn. Công tác thú y phải đặc biệt quan tâm, vacxin phòng dịch cho lợn mẹ, lợn con phải thật đầy đủ, đúng lịch thú y, không được chủ quan khinh suất, không thể tiếc tiền, vì giá vacxin chất lượng tốt thường khá đắt, sử dụng các loại này sẽ làm tăng chi phí chăn nuôi, giảm lợi nhuận xuất chuồng, nên không ít trang trại đang còn so đo tính toán, nhất là vào những lúc giá lợn giống xuống thấp.

Thường xuyên chăn nuôi với quy mô hàng trăm con mỗi lứa, môi trường chăn nuôi không thể đảm bảo nên ngoài đầu tư 2 bể biogas có dung tích 100 m3, mới đây anh Trịnh Xuân Toản còn đăng ký xây dựng mô hình ứng dụng hệ thống sàng rung để tách chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ do Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (Dự án LCASP) triển khai để giảm sự quá tải khi chất thải xả xuống bể biogas, giảm thải ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn nhằm tăng cường khả năng thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ. Khi chất thải rắn được tách riêng sau đó ủ với men vi sinh làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng của gia đình và bán cho những hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tạo nguồn thu nhập cho người chăn nuôi.

Mặc dù mới đi vào vận hành hệ thống máy sàng rung, song mô hình được nhiều hộ chăn nuôi trong vùng đến tham quan học tập kinh nghiệm bởi hiệu quả bảo vệ môi trường mà nó mang lại. Việc nhân rộng công nghệ chăn nuôi lợn ứng dụng hệ thống sàng rung để tách chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ sẽ giúp mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, môi trường và xã hội – vừa thu gom 100% lượng chất thải chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ của Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời giúp giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở nông thôn.

(Nguồn: TT Khuyến Nông)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *