Nghề nuôi trâu vỗ béo bán thương phẩm vui nhất là được thương lái đến tận nhà thu mua nên không lo đầu ra, trâu lúc nào cũng bán được giá cao. Bài viết này Môi Trường Thuận Phong xin cung cấp đến quý khách một mô hình thực tế mà anh Linh đã áp dụng thành công. Chúng tôi là đối tác hàng đầu về thi công bạt HDPE và hầm biogas cam kết mang lại môi trường xanh sạch đẹp và tối ưu chi phí, lợi nhuận cho bạn .
Từ thương nhân thành nông dân
Anh Trần Bá Linh, ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, người đang sở hữu hơn 50 con trâu trị giá gần 2 tỷ đồng chia sẻ, xuất phát điểm là nhớ quê, anh lựa chọn bỏ nghề kinh doanh hải sản ở TP. HCM để về vùng đất Cờ Đỏ để chọn con trâu là “đầu cơ nghiệp” với mô hình nuôi trâu nhốt chuồng.
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm căn nhà anh Linh nằm cặp tỉnh lộ 922 vừa mới cất chưa được 2 năm, nối tiếp căn nhà tường phía sau là 3 dãy chuồng trâu xây dựng kiên cố nằm giữa đồng rộng gần 2ha rộn rã tiếng cười của các anh công nhân chăm sóc.
Vừa nhanh tay ủ lại bao thức ăn cho đàn trâu trên 50 con trâu đen bóng đang nhai cỏ trong chuồng. Anh Linh cho biết: Hạt lúa, bắp, củ khoai, đồng cỏ ở nơi này có sẵn, đất rộng bát ngát, người dân cần cù chịu khó nuôi trâu là giúp cuộc sống mau làm giàu khá nhanh.
Anh Linh kể, trước đây, gia đình nghèo và đông anh em. Cha mẹ không có đất sản xuất lúa hay trồng hoa màu, mà sống chính dựa vào nghề làm thuê. Chính vì vậy các con trong gia đình không có đứa nào được đến trường ăn học, đa phần không biết viết mặt chữ. Chính vì vậy năm 18 tuổi anh Linh rời xa quê hương lên TP. HCM làm thuê cho cơ sở bán hải sản. Anh đã làm được 12 năm, có ít vốn cưới vợ và rồi mở cơ sở bán hải sản nhỏ tại chợ đầu mối Bình Điền.
Qua nhiều năm kinh doanh nghề thủy sản khá thành công, năm 2019 vì cha mẹ già không ai chăm sóc lại một phần nhớ quê nên anh Linh về nhà mở trang trại nuôi trâu với quan niệm con trâu là vật nuôi dễ, chúng có đề kháng cao, ít bệnh mà đầu ra lại thuận lợi hơn so với các loài vật nuôi khác.
Từ suy nghĩ đó anh quyết định bỏ ra 2 tỷ đồng mua đất và 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi trâu vỗ béo để bán thương phẩm. Ban đầu anh chọn mua 40 con trâu chỉ nặng từ 70 – 100 kg, sau 4-5 tháng vỗ béo, mỗi con đã lên tới 400 – 600 kg có thể xuất bán.
Cách nuôi trâu vỗ béo của anh Linh là tìm mua những con trâu gầy ốm rồi đưa về tẩy giun sán, tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh. Hàng ngày cho trâu ăn 2 cữ, sáng và chiều là cỏ tươi kết hợp thức ăn tinh như cám, bã đầu nành, cám vỗ béo, bổ sung vitamin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Đặc biệt nuôi trâu phải tuân thủ nghiêm việc tìm ngừa vacxin phòng bệnh định kỳ theo khuyến cáo ngành chuyên môn địa phương.
Theo anh Linh, nghề nuôi trâu thương phẩm này vui nhất là được khách hàng đến tận nhà thu mua nên không lo đầu ra, trâu lúc nào bán cũng được giá. Nuôi trâu vỗ béo, mỗi năm gia đình anh Linh xuất bán 2 đợt khoảng 100 con, thu lãi gần 1 tỷ đồng. Sang năm 2021 anh dự kiến mở rộng trang trại và mua trâu từ Campuchia về vỗ béo với số lượng 250-300 con mỗi năm để phục vụ thị trường.
Nuôi trâu theo khoa học
Bắt tay vào nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, anh Linh phải học từ cái nhỏ nhất. Anh Linh làm chuồng, thay vì buộc trâu quanh nhà như truyền thống trước đây. Anh cho tráng nền toàn bộ bằng xi măng, rồi xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu mát về mùa hè, ấm về mùa đông rồi đến chuyện ủ thức ăn cho đàn trâu.
Khi mới nuôi, anh Linh không có ý định ủ thức ăn để dành cho đàn trâu, nhưng sau thấy thân cây bắp bà con chặt bỏ đi nhiều phí quá, anh nghĩ tại sao cây rau cải người ta biết muối dưa để dành ăn dần mà mình không biết cách ủ thân cây bắp để dành cho đàn trâu ăn quanh năm.
Nghĩ là làm, anh mày mò làm theo công thức học được trên mạng là 50kg thân cây bắp + 2,5 kg mật đường + nước + 0,5 kg muối, thành phẩm nhận được thành công ngoài sức mong đợi.
Anh Linh cho biết: Anh không đào hố ủ thức ăn mà ủ luôn vào bao và chia luôn theo khẩu phần, ăn bữa nào lấy bữa đấy, không để thức ăn bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của đàn trâu. Có thời điểm, anh ủ được hàng tấn thức ăn, đủ để đàn trâu ăn cả năm. Bên cạnh đó, anh còn dành ra hơn 5.000 m2 để trồng cỏ voi, cỏ mòm để làm nguồn thức ăn chủ động quanh năm cho trâu.
Trong quá trình nuôi trâu, anh Linh cũng có thói quen ghi chép sổ sách từng ngày. Mỗi con trâu 1 ngày ăn hết bao nhiêu kg thức ăn, bao nhiêu phần thức ăn là cám, bao nhiêu phần thức ăn là cỏ voi, bắp hạt, bả đậu… đều được anh ghi chép cụ thể, chi tiết trên từng trang giấy. Nhờ ghi chép từng ngày, đến lúc bán một con trâu mới biết lời lãi như nào để tính tiếp.
Nhờ ghi chép chi tiết, nuôi trâu theo khoa học, giúp đàn trâu của anh Linh ăn rất khỏe và mau lớn.
Bình quân một con trâu mỗi ngày ăn hết 3 kg cám, bã đậu và 25kg cỏ tươi, mỗi con 1 tháng tăng trọng từ 20-30kg, có con tăng đến 50kg.
Hiện nay, mong muốn nhất của anh Linh là có đủ đất để xây dựng một trang trại chăn nuôi đủ lớn có thể xử lý được lượng chất thải từ chăn nuôi thải ra mỗi ngày và tận dụng nguồn phụ phẩm này “đẻ” ra tiền.
Hiện, toàn bộ chất thải chăn nuôi, anh cho bà con quanh vùng lấy về làm phân bón cho cây trồng, đổi lại đến vụ thu hoạch, bà con tặng miễn phí toàn bộ thân bắp, hay rơm rạ để làm thức ăn cho trâu. Bên cạnh đó anh tận dụng nguồn chất thải phân trâu này để nuôi cá, trùn quế và bán phân hữu cơ cũng cho thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Ông Bùi Thanh Hiếu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết: Nhận thấy nhu cầu nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo của bà con nông dân trên địa bàn xã Đông Hiệp là một hướng đi mới, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền tạo điều kiện để người nông dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.
Mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Trần Bá Linh đang được nhiều hộ chăn nuôi ở trên địa bàn xã Đông Hiệp áp dụng và học tập. Ðây là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trâu, bò ở huyện Cờ Đỏ đang đem lại hiệu quả cho nông hộ.
Trong thời gian tới, để phát triển đàn trâu, bò bền vững và ổn định hơn, ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng liên kết với người nuôi để cấp con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra trâu bò cho người dân. Từ đó thúc đẩy phát triển chăn nuôi trâu, bò ở huyện một cách bền vững và hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới.